July 23

Kỹ năng mềm trong công việc để thành công

0  comments

ky-nang-mem-trong-cong-viec-buoc-phai-co-de-thanh-cong

Bạn là sinh viên mới ra trường. Bạn muốn trang bị cho mình những kỹ năng mềm trong công việc để có thể đầu quân vào các công ty, tập đoàn lớn. Tuy nhiên, bạn không biết mình nên bắt đầu từ đâu? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn những kỹ năng mềm cơ bản trong công việc. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

Kỹ năng mềm trong công việc là gì? 

Dù bạn làm việc gì, ngành nghề nào, kỹ năng mềm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một con người. Vì vậy, các bạn cần trau dồi cho mình những kỹ năng cần thiết trước khi đi xin việc làm. Có như vậy, bạn mới đủ bản lĩnh vượt qua những khó khăn, thách thức trong công việc. Vậy kỹ năng mềm là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Kỹ năng mềm hay còn gọi kỹ năng thực hành xã hội là thuật ngữ xã hội học dùng để chỉ những kỹ năng liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, thái độ, hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người. Nó là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm. Kỹ năng mềm giúp chúng ta hòa nhập vào cuộc sống, tương tác với xã hội, tập thể hoặc tổ chức.

Thực tế cho thấy, 25% kiến thức chuyên môn, 75% những kỹ năng mềm làm nên một con người thành đạt. Trong môi trường làm việc, kỹ năng mềm là những đặc điểm tính cách và kỹ năng giao tiếp, đặc trưng cho cách hành xử với người khác. Nó thường là những giá trị vô hình và không liên quan đến chuyên môn. Kỹ năng mềm trong công việc là một trong những tiêu chí được nhà tuyển dụng vạch ra khi tuyển nhân viên.

 Có rất nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy các nhà tuyển dụng quan tâm đến các kỹ năng mềm. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Quản lý Nhân sự, các nhà tuyển dụng thích các kỹ năng mềm hơn các kỹ năng cứng. Hoặc Tạp chí Giáo dục Kinh doanh công bố một nghiên cứu cho thấy các nhà quản lý chú ý nhiều hơn đến kỹ năng giao tiếp và phân tích.

Các bạn thấy đấy, kỹ năng mềm trong công việc rất cần thiết. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các bạn hãy trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình…

Kỹ năng giao tiếp

ky-nang-giao-tiep-quan-trong

Kỹ năng giao tiếp là kỹ năng quan trọng nhất trong hệ thống các kỹ năng mềm trong công việc. Bởi nó là điều kiện để nâng cao cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của bạn. Vì vậy, bạn cần có khả năng giao tiếp rõ ràng, lịch sự và truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu nhất.

Kỹ năng giao tiếp bao gồm kỹ năng viết, kỹ năng nói. Do vậy, bạn phải tập trung vào kỹ năng nói và viết. Đồng thời, nâng cao kỹ năng nghe, kết hợp linh hoạt với ngôn ngữ cơ thể của bạn. Giao tiếp giỏi không có nghĩa bạn là một nhà hùng biện giỏi hoặc phải thể hiện bản thân mình thật tốt trước mặt người khác. Kỹ năng giao tiếp thể hiện ở việc bạn thương thảo, thuyết phục người khác như thế nào và kết quả ra sao?

Dù bạn gặp mặt trực tiếp, qua thư viết, thư điện tử, qua điện thoại, qua trò chuyện trực tuyến, qua tương tác trong các trò chơi game,… mỗi phương thức giao tiếp đều có 2 mặt. Tùy vào điều kiện, bạn có thể chọn cách giao tiếp phù hợp và hiệu quả nhất. Để nâng cao và hoàn thiện khả năng giao tiếp, các bạn phải nắm được các kỹ năng cơ bản sau đây:

– Nắm rõ quan điểm của bản thân

Để thuyết phục được người đối diện, trước tiên, bạn phải hiểu rõ bạn đang nói về điều gì. Hiểu rõ quan điểm của bản thân, bạn mới có thể thương lượng, thương thảo thành công.

Nếu bạn đi phỏng vấn xin việc, bạn phải chắc chắn rằng, những gì bạn nói với nhà tuyển dụng là những điều bạn thật sự hiểu, thật sự tâm huyết với nó. Có như vậy, xác suất trúng tuyển của bạn mới cao.

– Hiểu đối phương

Bạn phải hiểu rõ người mà bạn đang nói chuyện thích và không thích điều gì. Khi đó, bạn mới dễ dàng lấy lòng họ. Bạn hãy nói những gì người khác muốn nghe. Và để nắm được tâm lý của đối phương, bạn phải thường xuyên quan sát nét mặt và cử chỉ của họ.

– Nhấn nhá hợp lý

Ngữ điệu, nhịp điệu là yếu tố giúp bạn thu hút người nghe vào câu chuyện của mình. Đồng thời, nó cho thấy bạn là một người chuyên nghiệp. Vì vậy, khi thuyết phục đối phương, bạn hãy nhấn nhá thật hợp lý để tạo cảm giác thoải mái và thú vị cho người nghe.

– Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể là trợ thủ đắc lực cho bạn khi giao tiếp. Bạn hãy kết hợp nó với kỹ năng nói một cách hợp lý để cuộc nói chuyện được thành công. Bạn có thể giao tiếp qua ánh mắt, nụ cười và cử chỉ, điệu bộ.

Đôi mắt được ví là cửa sổ của tâm hồn, nó bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. Trong khi giao tiếp, bạn hãy quan sát ánh mắt của người đối diện để có cách ứng xử phù hợp. Nhìn thẳng một cách tự tin vào người mà bạn đang nói chuyện. Điều đó cho thấy bạn là con người ngay thẳng, biết tôn trọng người nghe và làm cho họ cảm thấy bạn đánh giá cao sự hiện diện của họ. Ánh mắt kèm theo lời nói sẽ giúp bạn tự tin để truyền cảm hứng, thuyết phục đối phương.

Kỹ năng mềm trong công việc không thể thiếu nụ cười. Trong giao tiếp, nụ cười có thể là làm quen hoặc xin lỗi. Do đó, bạn hãy luôn nở nụ trên môi. Nó sẽ tạo được kết quả tốt cho bạn.

Cử chỉ và điệu bộ giúp bạn bộc lộ những suy nghĩ thầm kín khi lời nói không thể làm được. Điệu bộ phản ánh chính xác thái độ, cảm giác và ý định của con người. Vì vậy, trong khi thương thảo với đối tác hoặc khi đi phỏng vấn xin việc, bạn không nên mân mê quần áo, đồ trang sức hay bất cứ vật dụng nào. Bởi điều đó chứng tỏ bạn đang bối rối hoặc bị phân tán tư tưởng.

– Không nói chung chung

Người nghe sẽ không hiểu và không nắm bắt được vấn đề, thậm chí là hiểu lầm nếu như bạn vòng vo, lan man, không đi vào trọng điểm. Do đó, bạn hãy nói những ý chính và nói một cách thật chi tiết, dễ hiểu.

Nếu nội dung câu chuyện có nhiều hướng giải quyết, bạn hãy mạnh dạn đưa ra ý kiến và chỉ ra những thông tin cốt lõi. Chắc chắn, quá trình giao tiếp của bạn sẽ đạt được kết quả tốt.

– Đừng thao thao bất tuyệt

Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin. Vì vậy, khi bàn bạc công việc, bạn không nên thao thao bất tuyệt mà không cho người khác chen vào. Hãy biết dừng đúng lúc để nghe người khác đặt câu hỏi và bày tỏ quan điểm.

Trường hợp, bạn đang cùng đồng nghiệp giải quyết một mâu thuẫn gì đó, bạn hãy lắng nghe suy nghĩ của họ trước. Sau đó, hãy nói lên quan điểm của mình. Bạn không nên cho là mình đúng mà không chịu tiếp thu ý kiến của người khác. Nếu bạn nói và nói mà không chịu lắng nghe. Chắc chắn, bạn sẽ không giải quyết được vấn đề ấy.

– Trang phục phù hợp

Cách ăn mặc cũng góp phần quan trọng trong giao tiếp. Hãy đảm bảo là bạn luôn diện những trang phục công sở gọn gàng, lịch sự. Có như vậy, bạn mới có thể tự tin đứng trước người khác người trình bày quan điểm của mình.

– Biết lắng nghe

Kỹ năng lắng nghe quyết định 90% thành công trong mọi cuộc giao tiếp, thương thuyết đi kèm với kỹ năng nói. Bạn phải tập trung lắng nghe ý kiến của người khác để có thể thấu hiểu những điều họ nói. Khi đó, bạn sẽ biết cách đặt câu hỏi đối với những vấn đề mình chưa hiểu.

Giao tiếp hiệu quả không chỉ hoàn thiện bạn, mà còn tốt cho công việc của bạn, cho công ty bạn. Giao tiếp tốt giúp cho mối quan hệ của bạn ngày càng bền vững và mở rộng. Từ đó, tạo điều kiện để bạn thăng tiến trong công việc. Vì vậy, bạn hãy tự trau dồi kỹ năng giao tiếp hoặc đến các lớp dạy kỹ năng mềm để học hỏi thêm.

>> Bạn có biết Kỹ năng mềm trong giao tiếp ai cũng phải biết để được YÊU MẾN

Kỹ năng làm việc nhóm

ky-nang-mem-trong-cong-viec-quan-trong-lam-viec-nhom

Bạn không thể lúc nào cũng làm việc một mình. Bởi muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng đi xa thì phải đi cùng nhau. Do đó, làm việc nhóm là yêu cầu bắt buộc khi bạn làm bất kỳ một công việc gì. Điều kiện cần để làm việc nhóm là bạn phải biết cách gắn kết với cách thành viên trong nhóm để có được kết quả cuối cùng tốt nhất.

Kỹ năng làm việc nhóm là nhiều người cùng nhau kết hợp các ưu điểm của mình để giải quyết tốt một nhiệm vụ nào đó nhằm hướng tới một mục tiêu chung. Cách này sẽ giúp các cá nhân bổ sung những thiếu sót và hoàn thiện bản thân mình. Để quá trình làm việc nhóm đạt kết quả cao, mỗi thành viên phải có đầy đủ các kỹ năng. Và phương pháp làm việc nhóm hiệu quả bao gồm:

– Có mục tiêu chung

Suy cho cùng, làm việc nhóm là quá trình các thành viên cùng phấn đấu để đạt được mục tiêu chung. Mặc dù trong quá trình làm việc, các bạn có nhiều ý kiến xung đột. Tuy nhiên, tất cả đều hướng đến kết quả sau cùng. Vì vậy, để đạt được mục tiêu chung, quá trình làm việc nhóm cần tập trung vào những vấn đề trọng điểm. Và hơn hết là nhận thức được những mục tiêu của cả tập thể thay vì chỉ chú trọng quan điểm của từng cá nhân.

– Lắng nghe

Lắng nghe là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp cho quá trình làm việc nhóm được thành công. Trong một tập thể, người nói phải có người nghe. Đó là điều kiện đầu tiên quyết định kết quả làm việc nhóm. Đồng thời, lắng nghe sẽ giúp bạn thấu hiểu các thành viên khác cũng như thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với họ. Do vậy, khi tham gia làm việc nhóm, bạn hãy rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe.

– Kỹ năng tổ chức

Kỹ năng tổ chức là kỹ năng không thể thiếu trong quá trình làm việc nhóm.  Kỹ năng này là nhiệm vụ của trưởng nhóm và của cả các thành viên. Người trưởng nhóm phải có khả năng phân công và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhóm, đảm bảo sự đồng đều giữa các thành viên với nhau. Còn các thành viên trong nhóm khi được giao việc phải biết cách tổ chức thực hiện sao cho khoa học, đúng tiến độ và thời gian.

– Kỹ năng thuyết phục

Bạn không thể làm việc nhóm nếu thiếu kỹ năng thuyết phục. Bởi nó là yếu tố giúp các thành viên còn lại trong nhóm lắng nghe bạn nói. Bạn phải biết rằng, mình đang nói vấn đề gì. Đồng thời, chứng minh những điều bạn nói là đúng. Mặt khác, bạn phải có lập trường để có thể bảo vệ và thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.

– Tôn trọng nhau

Trong quá trình làm việc nhóm, tất cả các thành viên đều phải biết tôn trọng nhau. Đồng thời, phải biết giúp đỡ lẫn nhau. Nếu đồng nghiệp của mình gặp khó khăn hãy sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ. Việc làm này sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm.

Mỗi thành viên nên hạ bớt cái tôi cá nhân để lắng nghe những ý kiến của người khác. Việc giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm chính là đòn bẩy lớn nhất để cùng làm việc và hướng tới mục đích chung.

– Có trách nhiệm

Mục tiêu chung sẽ không thực hiện được nếu các thành viên trong nhóm không có trách nhiệm với công việc của mình. Bạn không nên ỷ lại, hãy phấn đấu để hoàn thành công việc đúng thời gian và đúng tiến độ, đừng làm ảnh hưởng đến cả tập thể.

Và hãy biết cùng nhau chịu trách nhiệm khi công việc thất bại. Đừng trốn tránh, đừng đổ lỗi cho người khác. Có như vậy, bạn mới thực sự hoàn thiện bản thân mình.

– Luôn đúng giờ

Bạn hãy đảm bảo rằng, mình luôn đúng giờ. Điều đó sẽ giúp cho các thành viên khác không phải chờ đợi bạn, hay phải mất thời gian nhắc lại những gì đã thảo luận trước đó.

– Quản lý xung đột

Một trong những kỹ năng cần thiết của quá trình làm việc nhóm là phải giải quyết xung đột, mâu thuẫn trong nhóm. Bạn phải biết xử lý một cách chuyên nghiệp. Cả nhóm nên thỏa thuận quy trình xem xét, phân tích và giải quyết các vấn đề trong nhóm. Không nên ủng hộ những xung đột cá nhân, thay vào đó, các thành viên nhóm cần hướng đến một giải pháp chung.

Nhiều khảo sát cho thấy, khi kỹ năng làm việc nhóm tốt thì hiệu quả công việc cũng sẽ tăng, tiết kiệm thời gian. Nếu nắm được kỹ năng mềm trong công việc và áp dụng phù hợp, bạn sẽ thành công. Chính vì thế, đây là một trong những kỹ năng mềm trong công việc mà bất kỳ dân công sở nào cũng cần rèn luyện.

Kỹ năng thuyết trình

ky-nang-thuyet-trinh-rat-quan-trong

Bạn là một nhà lãnh đạo hay một nhân viên, thuyết trình là kỹ năng bắt buộc bạn phải trang bị trước khi bước vào đời. Thuyết trình là một những kỹ năng mềm trong công việc cần thiết để thành công. Hay nói cách khác những người thành công là những người có khả năng thuyết trình tốt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự tin đứng trước đám đông chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình. Những người mới thuyết trình thường chia sẻ rằng cảm giác chung khi đối mặt với đám đông là run, sợ bị nói sai, bị ấp úng,… Vì vậy, để thuyết trình thành công, các bạn hãy tham khảo những bí quyết dưới đây nhé!

– Sự tự tin

Rèn luyện phong thái tự tin là bí quyết đầu tiên giúp bạn thuyết trình thành công. Sự tự tin sẽ giúp bạn gây ấn tượng rất tốt với người đối diện. Nếu bạn tự tin và tin tưởng vào những gì mình nói, người nghe cũng sẽ đặt sự tin tưởng vào bạn. Vì vậy, hãy rèn cho mình phong thái chững chạc, giao tiếp bằng mắt với khán giả để cho thấy bạn không hề sợ hãi.

Bạn có thể học tập phong thái tự tin bằng cách tập diễn và nói trước gương, quay video bài diễn đó tự xem lại và nhờ bạn bè nhận xét từ đó rút kinh nghiệm. Đồng thời chịu khó cởi mở, chủ động làm quen, tham gia các hoạt động tập thể nhiều để tập khả năng phản xạ trong các tình huống trước đám đông.

– Trình bày khoa học

Bạn cần lên bố cục bài thuyết trình thật khoa học để có thể trình bày mạch lạc và logic. Bạn hãy chia bài thuyết trình ra làm các phần nhỏ như đặt vấn đề, nội dung chính và kết luận.

Để thu hút người nghe, bạn hãy có cách mở đầu thật ấn tượng và sâu sắc. Như vậy, nó sẽ giúp người nghe tiếp tục nghe bạn nói. Một mở đầu ấn tượng sẽ giúp người nghe gạt bỏ mọi yếu tố gây nhiễu từ bên ngoài. Nếu bạn thu hút được khán giả ngay từ đầu, họ sẽ có khả năng dõi theo bạn cho đến hết bài thuyết trình.

Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh để gây ấn tượng với khách hàng, bạn chỉ có 4 phút cho phần mở đầu. Vì vậy, bạn hãy tận dụng tốt thời gian mở đầu để cuốn người nghe vào câu chuyện của bạn.

Ở phần nội dung chính, bạn hãy giải thích và đưa ra các dẫn chứng, các số liệu. Sau đó, hãy kết luận để chốt lại vấn đề. Bạn nên đưa ra kết luận chắc chắn và tiếp tục gắn kết với khán giả trong khi nhấn mạnh những điểm quan trọng nhất trong bài thuyết trình.

Trong một bài thuyết trình nếu có nhiều nội dung cần đề cập, bạn nên chia nhỏ chúng ra và trình bày hoàn tất từng nội dung. Tránh tình trạng đang nói vấn đề này lại chuyển sang vấn đề khác khiến bài thuyết trình lan man.

Chất lượng bài thuyết trình của bạn phụ thuộc rất nhiều vào công sức chuẩn bị trước đó. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ khiến cho thuyết trình trở thành một công việc mang tính chủ động. Do đó, các bạn hãy xác định mục tiêu của bài thuyết trình, chuẩn bị thật kỹ càng nội dung cho bài thuyết trình.

– Kết hợp giọng nói và cơ thể

Sẽ thật sai lầm nếu trong bài thuyết trình, bạn chỉ chăm chăm làm theo những gì mình đã chuẩn bị mà không kết hợp với ngôn ngữ cơ thể. Bạn hãy cười thật tươi, biểu cảm cơ mặt, nhấn nhá giọng nói, sử dụng tay chân một cách hợp lý. Như vậy, khán giả sẽ không cảm thấy nhàm chán, ngược lại, họ sẽ bị cuốn hút vào bài nói của bạn.

Kỹ năng lãnh đạo

ky-nang-lanh-dao

Một kỹ năng mềm trong công việc nữa bạn cần phải rèn luyện ngay từ bây giờ là kỹ năng lãnh đạo. Là một nhà lãnh đạo tài giỏi trong tương lai, bạn hãy là người tương tác tốt với đồng nghiệp, khách hàng và những người khác. Ngoài ra, bạn phải có trí tuệ, sự kiên nhẫn và kiến thức về nguồn nhân lực để có thể quản lý cả nhân viên và công ty.

Bạn hãy nắm vững các phương pháp dưới đây để có thể rèn luyện cho mình kỹ năng lãnh đạo.

– Giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp đối với một nhà lãnh đạo là kỹ năng cơ bản để người ấy có thể quản lý một cá nhân hay cả một tập thể. Kỹ năng đó không đơn thuần là chia sẻ ý tưởng, truyền tải thông tin, mà còn lả khả năng quan hệ, tương tác tốt với các nhân viên cấp dưới.

Đồng thời, bạn phải có quan điểm rõ ràng, dứt khoát trong lời nói và hành động. Bên cạnh đó, bạn cần phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của những người xung quanh.

– Chỉ đạo

Lãnh đạo cũng có nghĩa là chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện theo yêu cầu của mình. Chỉ đạo không chỉ đơn thuần là ra lệnh, mà còn bao gồm cả hướng dẫn, tư vấn, lập kế hoạch và giữ một thái độ tích. Do đó,bạn hãy chỉ đạo theo cách của một người bạn,một người đồng nghiệp. Có như vậy, bạn mới được nhân viên tôn trọng và đặt niềm tin. 

– Xây dựng mối quan hệ

Một nhà lãnh đạo giỏi đồng nghĩa với việc bạn là một nhà ngoại giao giỏi. Ngoại giao tốt với đối tác, nhà cung ứng, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên. Xây dựng mối quan hệ có thể tạo ra các lợi ích tốt cho cơ quan của mình.

Bạn hãy ghi nhớ một số thông tin cá nhân về người khác như tên, tuổi, chức vụ…, và thỉnh thoảng hỏi thăm họ về điều gì đó. Như vậy, bạn sẽ thực sự kết nối với người khác theo một cảm giác quen thuộc và hòa đồng.

– Kỹ năng lập kế hoạch

Là nhà lãnh đạo có tầm nhìn, bạn hãy vạch ra một kế hoạch tốt, hiệu quả. Việc làm này sẽ giúp nhân viên của bạn xác định rõ mục tiêu cần thực hiện. Đồng thời, thiết lập cho họ một thói quen làm việc khoa học hơn. Qua đó, công việc sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Kỹ năng tổ chức

to-chuc-la-thu-quan-trong

Kỹ năng mềm trong công việc không thể thiếu kỹ năng tổ chức. Kỹ năng này giúp cho công việc của các bạn được thực hiện thuận lợi và không bị gián đoạn. Kỹ năng tổ chức đồng nghĩa với kỹ năng sắp xếp công việc nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Bạn cần trang bị cho mình những kiến thức sau:

– Sắp xếp tài liệu trong máy tính

Bạn hãy dành thời gian để sắp xếp những tài liệu có trong máy tính. Nhất là màn hình. Bạn phải tổ chức các tài liệu có trong máy tính sao cho thật thuận tiện, hợp lý để khi cần có thể tìm được ngay. Và cách tổ chức hiệu quả nhất là theo dạng thư mục hình cây.

Trong từng thư mục, bạn hãy tổ chức thành các tệp dữ liệu và đặt tên thật dễ nhớ. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm.

– Sắp xếp bàn làm việc

Bàn làm việc gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp bạn thoải mái trong quá trình làm việc. Lời khuyên là bạn nên bỏ trên bàn những tài liệu cần phải làm ngay. Tránh tình trạng có quá nhiều thứ trên bạn. Bởi nó sẽ tạo cho bạn áp lực, không biết mình phải bắt đầu từ đâu.

Các tài liệu, bạn hãy để chúng ở những ngăn kéo dễ tìm, dễ lấy nhất. Để khi tìm, bạn không phải mất nhiều thời gian.

– Sắp xếp thứ tự ưu tiên của từng công việc

Bạn hãy vạch ra những công việc cần thực hiện. Sau đó xác định việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau. Bạn có thể, đánh số 1 cho việc rất gấp, số 2 cho việc bình thường, số 3 cho việc không gấp. Hoặc dùng bút màu đỏ cho việc cần làm ngay, màu xanh cho việc bình thường, màu đen cho việc có thể làm sau.

Việc làm đơn giản này sẽ giúp bạn làm việc một cách khoa học hơn. Qua đó, bạn sẽ biết cách sắp xếp công việc theo thứ tự hợp lý.

Kỹ năng quản lý thời gian

Quản lý thời gian là nhân tố quan trọng giúp cho các kế hoạch, dự định của bạn được thực hiện một cách thuận lợi. Quản lý tốt thời gian, bạn sẽ phấn đấu làm việc theo đúng tiến độ. Dưới đây là một số kỹ năng giúp bạn quản lý thời gian hơn.

– Lên kế hoạch trước khi bắt tay vào làm

Bạn hãy viết ra kế hoạch trước khi thực hiện. Như vậy, bạn sẽ kiểm soát được các dự án và công việc, khiến bản thân bạn sắp xếp có tổ chức hơn.

Sau đó, hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho danh sách việc cần làm của bạn. Như vậy sẽ giúp bạn tập trung và dành nhiều thời gian vào những việc thật sự quan trọng.

– Nhận ra và từ bỏ thói quen xấu

Bạn nên lập ra danh sách các thói quen không tốt khiến bạn mất thời gian. Sau đó, hãy loại bỏ từng thói quen một ra khỏi cuộc sống một cách logic. Hãy loại bỏ một thói quen xấu bằng việc thay thế những thói quen tốt.

– Tạo cho mình tính kỉ luật

Thay vì kéo dài thời gian cho một công việc gì đó, bạn cần xác định hạn chót để hoàn thành công việc. Nên giải quyết các việc khó trước. Bởi chúng mất nhiều thời gian. Sau đó, các việc còn lại bạn sẽ thoải mái tiến hành mà không bị áp lực.

Quản lý tốt thời gian, bạn sẽ thực hiện các công việc mình cần làm theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Bạn nên ghi lại quá trình làm việc. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh, hoạch định kế hoạch của mình một cách hợp lý.

Kỹ năng bán hàng

ban-hang

Bán hàng là kỹ năng mềm trong công việc bạn cần trang bị. Nhất là những bạn làm kinh doanh. Kỹ năng bán hàng ở đây là cách bạn thuyết phục khách hàng mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn. Do vậy, hãy đầu tư cho mình thời gian để tham gia các khóa học về kỹ năng bán hàng. Những kỹ năng cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn trở thành người bán hàng chuyên nghiệp.

Truyền đạt hiệu quả

Bạn hãy rèn cho mình cách nói chuyện rõ ràng, mạch lạc. Nội dung truyền đạt phải vào đúng trọng tâm, trọng điểm không vòng vo. Có như vậy, khách hàng mới nắm bắt được thông tin chính xác về sản phẩm của bạn. Bạn cũng có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể của mình để truyền đạt thông tin miễn sao để những điều bạn nói là dễ hiểu nhất.

Có khả năng lắng nghe

Song song với việc truyền đạt, bạn cần biết khi nào nên dừng lại để lắng nghe. Người bán hàng chuyên nghiệp sẽ không ngắt lời người khác khi họ đang nói. Bởi như vậy bạn sẽ không nắm bắt được mong muốn cũng như nhu cầu của khách hàng. Hãy nghe xem khách hàng cần gì?

Đặt ra những câu hỏi thông minh

Những người bán hàng thường hay tò mò muốn biết nhu cầu hay nguyện vọng thực sự của người mua hàng là gì? Vì vậy, bạn cần phải đặt ra những câu hỏi gợi mở để khách hàng trả lời. Tránh đặt những câu hỏi có hoặc không. Đưa ra câu hỏi như vậy là chính bạn kết thúc cuộc trò chuyện của bạn với người tiêu dùng rồi đấy.

Nếu công việc của bạn là một nhân viên bán hàng thì trang bị kỹ năng này cho bản thân mình là cực kỳ cần thiết. Hãy tạo cho mình phong thái chuyên nghiệp để có thể thúc đẩy quá trình mua của khách hàng. 

Kỹ năng giải quyết xung đột

giai-quyet-xung-dot

Mâu thuẫn, xung đột phát sinh từ sự khác biệt. Bất kỳ khi nào không có sự đồng bộ về quan niệm, lợi ích, ý kiến… thì xung đột sẽ xảy ra. Trong công việc, xung đột là vấn đề mà bạn sẽ thường xuyên gặp phải. Nếu là người bản lĩnh, bạn phải biết cách giải quyết xung đột một cách nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. 

Do đó, giải quyết xung đột được xem là một trong những kỹ năng mềm trong công việc mà bất kỳ ai cũng phải học. Hãy học cách né tránh xung đột, nhượng bộ, thương lượng, hợp tác và trong một số trường hợp, bạn phải cạnh tranh.

Né tránh xung đột

Những người tinh ý sẽ nhanh chóng nhận ra câu chuyện mà mình đang nói đang phát sinh mâu thuẫn. Khi ấy, họ sẽ chủ động chuyển sang đùa giỡn, né tránh hoặc thay đổi chủ đề. Cách làm này sẽ ngăn ngừa được xung đột xảy ra. Bạn có thể áp dụng phương pháp này cho bản thân mình.

Nhượng bộ

Khi phát sinh xung đột, bạn hãy giảm bớt cái tôi của mình lại. Trong quá trình giải quyết, bạn hãy bỏ qua nhu cầu của bản thân, thỏa hiệp với những yêu cầu của đối phương. Bạn hãy nhượng bộ khi muốn giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp hoặc cảm thấy vấn đề quan trọng với người khác hơn với mình.

Thương lượng

Người biết thương lượng là những người thể hiện sự cân bằng giữa cái tôi và sự thông cảm cho đối phương. Người thương lượng sẽ đánh giá cao sự công bằng và mong muốn đạt được những lợi ích chung. Bằng cách chấp nhận những yêu cầu của đối phương và kỳ vòng rằng đối phương cũng sẽ chấp nhận những yêu cầu của mình, từ đó mâu thuẫn được giải quyết.

Hợp tác

Thay vì lợi ích cá nhân, bạn hãy hợp tác để tìm kiếm giải pháp thỏa mãn cả hai bên. Đây là cách giải quyết xung đột hiệu quả nhất hiện nay. Bạn nên hợp tác khi vấn đề đó rất quan trọng, có đủ thời gian để tập hợp quan điểm, thông tin từ nhiều phía để có phương pháp xử lý hoàn hảo nhất. Vấn đề đã tồn tại mâu thuẫn từ trước, hoặc bạn cần tạo dựng mối quan hệ lâu dài giữa các bên.

Cạnh tranh

Trong một số trường hợp đặc biệt, bạn cần cạnh tranh lành mạnh để dành lợi ích cho mình tránh bị bắt nạt. Cạnh tranh được sử dụng khi bạn cần giải quyết vấn đề nhanh chóng hoặc bạn biết chắc là mình đúng.

Trên đây là những kỹ năng mềm trong công việc mà bạn cần trau dồi để ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Học hỏi và rèn luyện cho mình đầy đủ các kỹ năng này, bạn sẽ đủ bản lĩnh để phấn đấu trong công việc. Từ đó, tạo nền tảng thăng tiến cho sự nghiệp trong tương lai. Chúc các bạn thành công. 

Đọc ngay Làm giàu với chuẩn mực văn hóa làm việc 996 ? để làm giàu hiệu quả ngay hôm nay. xin cảm ơn!


Tags


You may also like

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Get in touch

Name*
Email*
Message
0 of 350