Tối ưu hóa trí nhớ trong học tập và công việc

Chắc các bạn đã xem chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam ? Bạn ngưỡng mộ cách ghi nhớ nhanh thần tốc của các thí sinh. Bản thân tôi cũng cảm nhận thấy một điều gì rất thần kỳ khi có thể ghi nhớ rất nhiều dữ liệu trong một thời gian ngắn.  Phần lớn chúng ta còn lại luôn cố gắng để nhớ tên của một người mà chúng ta được giới thiệu trước đó. Chúng ta đang tự hỏi có phải trí nhớ của chúng ta thật sự kém. Câu trả lời sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy, không hề có trí nhớ kém, tuổi tác cũng chỉ là sự biện hộ.  Trí nhớ không phải là một hệ thống toàn diện và không thể phân loại tốt hay kém.

Chúng ta có thể nhớ tốt trong một vài lĩnh vực nào đấy, nhưng lại nhớ kém trong những lĩnh vực khác. Việc không nhớ tốt trong một lĩnh vực nào ấy không nói lên rằng bạn có trí nhớ kém. Bộ não của chúng ta cũng giống như một phần cơ bắp của chúng ta. Chúng cần được huấn luyện để giúp chúng ta nhớ nhiều, học nhanh hơn. Vậy làm thế nào để tối ưu hóa hoạt động của não bộ giúp ghi nhớ nhanh, lưu trữ thông tin cần thiết.

1. Nghiên cứu khoa học về não bộ

Để vận dụng não bộ tốt hơn, chúng ta cần tìm hiểu sơ về cách thức hoạt động của bộ nhớ. Theo như Woolfolk (1993) , bộ nhớ gồm 3 thành phần: việc ghi nhận qua các giác quan, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Các giác quan ghi nhận thông tin, giữ lại và mã hóa những gì nó cho là quan trọng vào trong bộ nhớ ngắn hạn trước khi các thông tin bị quên đi, hoặc chuyển tiếp đến bộ nhớ dài hạn.

Trí nhớ ngắn hạn có thể ghi nhớ từ 5 đến 9 mục riêng biệt trong khoản thời gian kéo dài 20 đến 30 giây. Bộ nhớ dài hạn nắm giữ các thông tin đã được ghi nhớ. Nó không có giới hạn về khả năng và thời gian. Mặc dù các thông tin cần mất một thời gian để ghi nhớ tốt và lưu trữ lại. Bộ não của chúng ta có khả năng tiếp thụ 36,000 hình ảnh mỗi giờ theo như nghiên cứu của Hyerle (2000).

Các thông tin đi liền với các cảm xúc sẽ dễ dàng lưu trữ trong dài hạn. Nghiên cứu đưa ra việc chúng ta nhớ mọi thứ tốt hơn và lưu trữ lâu hơn nếu chúng ta liên kết ý nghĩa đến chúng bằng việc mã hóa thông qua các hình ảnh, sự kiện hay bất cứ gì gây xúc cảm mạnh đến chúng ta.

Bộ nhớ của chúng ta không chỉ là việc học các thông tin mà là nhớ lại chúng. Bộ não con người có thể lưu trữ số lượng rất lớn các thông tin. Các bạn biết đây, chúng ta chỉ mới đang tận dụng 10% khả năng ghi nhớ của mình. Các phương pháp ghi nhớ sau đây sẽ giúp bạn nâng cao trí nhớ của mình, ghi nhớ nhanh hơn

2. Sự tưởng tượng và kết nối

Các hình ảnh và cảnh tượng sẽ được ghi nhớ lâu, tốt hơn. Vì thế chúng ta cần phải biết cách tưởng tượng sáng tạo, tạo ra sự kết nối giữa các hình ảnh, cảnh tượng. Một hình ảnh sống động, vui nhộn, hài hước hay lố bịch. Hình ảnh sẽ giúp bạn thật sự thấy trong chính suy nghĩ của mình. Việc đặt bản thân mình vào trong hình ảnh ấy sẽ giúp cho bạn ghi nhớ tốt hơn.

Ví dụ sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.

Bạn cần ghi nhớ 20 vật sau trong khoản thời gian ngắn: cá, thảm, thuốc lá, viết chì, bánh mì, điện thoại, bóng đá, cây dù, chìa khóa, râu, máy chữ, lốp xe, đĩa ăn tối, bông tai, gối ôm, thuyền, cây táo, bàn chải đánh răng, chuỗi hạt, chai bia.

Cá – Thảm: bạn hãy tạo ra một kết nối vui nhộn giữa con cá và tấm thảm. Hãy tưởng tượng tấm thảm được làm từ những con cá. Bạn đang bước chân lên tấm thảm, cảm nhận lớp da nhờn bóng của các con cá vẫn còn đang sống dưới bàn chân bạn. Khi bạn nhìn thấy hình ảnh ấy, hãy quên đi sự liên kết và di chuyển tiếp theo

Thảm – Thuốc Lá: tưởng tượng bạn đang đốt tấm thảm thuốc lá. Bạn cảm nhận nó nặng thế nào khi bạn phải cuộn nó lại trước khi bạn ngậm nó vào miệng và đốt. Khi hình ảnh ấy xuất hiện trong suy nghĩ của bạn, tiếp tục di chuyển đến mục tiếp theo. Bạn đừng đưa sự kết nối Thảm – Thuốc Lá đến các suy nghĩ khác. Hãy quên nó đi và di chuyển tiếp

Bạn cứ tiếp tục hình dung, tưởng tượng và kết nối các vật khác với nhau cho đến hết. Bạn càng tạo ra một hình ảnh vui nhộn, sống động, phi lý thì bạn lại càng dễ dàng ghi nhớ chúng. 20 vật ấy sẽ được nằm lại trong bộ nhớ của bạn.

Nếu bạn đang gặp vấn đề với các hình ảnh, điều ấy nghĩa là bạn vẫn chưa thật sự tạo ra 1 hình ảnh đủ sống động, vui nhộn. Hoặc là bạn vẫn chưa thấy nó trong suy nghĩ của chính bạn. Đây cũng chính là cách vận dụng bán cầu não phải hoạt động để hổ trợ cho việc lưu trữ thông tin.

Bạn cần phải thực tập thật nhiều nếu bạn không phải là người quen sử dụng bán cầu não phải.

3. Lâu đài trí nhớ

Các bạn đã từng xem qua series Sherlock Holmes của Anh? Holmes đã xây dựng cho mình tòa lâu đài trí nhớ to lớn, ấn tượng. Nơi lưu trữ số lượng lớn các thông tin trong các vụ án anh ấy điều tra. Holmes đã sử dụng lâu đài trí nhớ. Không chỉ để lấy ra các thông tin mà còn để kiểm soát suy nghĩ của mình, giữ sự bình tĩnh dưới các áp lực công việc. Lâu đài trí nhớ được hiểu như một công cụ đắc lực hữu ích. Nó chính là hình ảnh tâm trí của ngôi nhà bạn thân thuộc, với các phòng chứa các đồ vật, vị trí và được biết đến như cái MÓC để lưu trữ các thông tin của bạn. Phương pháp sử dụng lâu đài trí nhớ được hiểu như sau:

3.1 Bắt đầu bằng việc hình dung bạn đang ở trong một lầu đài trí nhớ. 

Căn phòng của bạn là một ý tưởng hay để bắt đầu, nơi mà bạn hoàn toàn thân thuộc. Điều quan trọng là bạn phải hình dung được một nơi nào đấy trong đầu bạn mà không cần phải thực sự nhìn thấy.

3.2 Hãy thực hiện đi xuyên suốt căn phòng. 

Bạn hãy nhìn, quan sát những đồ vật, vật dụng được đặt những vị trí đặc biệt trong phòng, như là cái tivi, kệ sách, bàn học … Những vị trí, vật dụng chính là nơi mà bạn sẽ treo các thông tin bạn muốn ghi nhớ sau này.

3.3 Tìm kiếm cái MÓC

Cái móc theo nghĩa đen là nơi để bạn treo quần áo. Trong lâu đài trí nhớ đó chính là cái bạn treo các thông tin lên nó. Móc trong trường hợp đặc biệt này là vị trí, đồ dùng, vật dụng. Nó tồn tại cố định trong phòng thực tế của bạn. Bạn chỉ việc đi qua từ trái sang phải để ghi nhớ theo thứ tự. Ví dụ như vị trí sofa sẽ được đặt trước kệ sách… Nếu lâu đài trí nhớ của bạn là một hành trình, bạn có thể đặt móc là một người luôn hiện sẵn trong tâm trí bạn, gắn liền với cảm xúc mạnh mẽ. Hãy viết chúng ra giấy.

3.4 Tìm kiếm từ khóa

Từ khóa sẽ kích hoạt các thông tin bạn muốn ghi nhớ. Hiển nhiên là bạn muốn 1 từ khóa để dễ dàng hình dung. Sau đấy treo những từ khóa này lên các móc trong phòng bạn. Những từ khóa này cần được chuyển đổi sang hình ảnh kỳ quặc nào đấy. Sau đó hình ảnh này sẽ kết nối với móc trong lâu đài trí nhớ của bạn. Bạn không nhất thiết phải chọn hình ảnh tích cực. Những cảm xúc hoặc hình ảnh tiêu cực cũng có ấn tượng mạnh không kém.

Ví dụ

Bạn muốn nhớ các thứ bạn phải mua khi đi siêu thị như cá, rau … Hình dung bạn đang đứng trong phòng khách, ghế sofa là cái đầu tiên bạn thấy và đi vào trong tâm trí bạn, nó được hiểu như cái móc. Bạn hãy tạo một kết nối vui nhộn giữa sofa và cá. Giả sử như sofa được làm từ những con cá khâu lại với nhau. Những hình ảnh vui nhộn này sẽ dễ dàng được lưu lại trong trí nhớ của bạn. Và cứ thế bạn tiếp tục gắn các móc còn lại vào những thứ bạn muốn ghi nhớ.

Bạn có thể xây dựng nhiều lâu đài trí nhớ với các chủ đề và thông tin khác nhau. Nó không chỉ là căn phòng của bạn. Nó có thể là căn nhà bạn đang sống, căn nhà bạn lớn lên, trường học, nhà thờ, một điểm du lịch, hoặc là một hành trình nào đấy (quãng đường từ nhà bạn đến trường học hay đến công ty). Địa điểm thực tế càng rộng hoặc càng chi tiết thì bạn càng lưu giữ được nhiều thông tin tương ứng trong không gian trí nhớ. Bạn cần xác định quá trình đi trong lâu đài khi bạn chọn lâu đài là một địa điểm rộng lớn hơn.

Ví dụ

Bạn sẽ bước vào nhà từ cửa trước không ? Bạn sẽ đi dọc theo hành lang nào ? Căn phòng nào là căn phòng đầu tiên bạn ghé đến ? Nếu cần nhớ những điều gì theo thứ tự, bạn hãy đi theo lối đi cụ thể, cả trong thực tế và trong tâm trí bạn. Khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên xây khoảng 10 lâu đài trí nhớ.

Một lâu đài trí nhớ có thể tái sử dụng nhiều lần. Bạn có thể thêm các thông tin mới vào các móc đã định sẵn.

Một số người sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra từ khóa và chuyển từ khóa sang hình ảnh kỳ quặc. Đừng lo lắng. Bạn hoàn toàn tự do trong việc tạo ra các hình ảnh. Thực tế chỉ ra rằng các hình ảnh càng viễn vong sẽ nhanh chóng đưa đến việc lựa chọn từ khóa.

Thực tập càng nhiều bạn càng dễ dàng liên tưởng đến các hình ảnh. Mỗi ngày dành ra ít nhất 15 phút để khám phá tòa lâu đài. Càng dành nhiều thời gian đi qua lâu đài, bạn càng dễ nhớ lại nội dung của nó theo yêu cầu. Những hình ảnh phải đến trong đầu bạn một cách dễ dàng và tự nhiên.

4. Mind Mapping

Thuật ngữ Mind Mapping được phổ biến lần đầu vào năm 1970 bởi Tony Buzan, một tác giả tâm lý và là một nhân vật truyền hình với Series “Use Your Head” được phát sóng trên BBC TV.

Mind mapping được xem là một công cụ rất đắc lực. Nó giúp cho việc gia tăng trí nhớ,  giúp việc học tốt hơn. Mind Mapping là khi một ý tưởng, một từ, hay một khái niệm nào đấy được khám phá thông qua sơ đồ mạng nhện. Các thông tin được highlight qua các màu nổi bật, hình vẽ, biểu tượng. Nó chính là sự kết hợp giữa 2 bán cầu não phải và trái. Nó giúp cho chúng ta dễ dàng hơn việc suy nghĩ logic, suy tưởng. Đem lại lợi ích về cả chuyên môn và cá nhân. Và tại sao chúng ta nên sử dụng Mind Mapping ?

5. Đẩy mạnh sự sáng tạo

Khả năng sáng tạo là một kỹ năng mà mọi người đều sở hữu dù bạn có tin hay không. Sáng tạo đơn giản là khả năng đưa ra các ý tưởng. Ngay cả khi bạn không có ý tưởng mọi lúc, rồi bạn cũng sẽ có chúng. Không nhất thiết bạn phải là một họa sĩ, một nhà thiết kế … Bạn vẫn có thể sáng tạo với sự thay đổi nhỏ từ các khái niệm đã tồn tại trước đó hoặc đưa ra các ý tưởng từ ban đầu.

Nếu bạn đã từng xem 2 đứa trẻ chơi đùa với nhau, bạn sẽ thấy sự sáng tạo trong chuyển động của chúng. Bạn hiếm khi thấy một đứa trẻ dừng lại và nói “Mình không sáng tạo lắm và bạn hãy kết thúc trò chơi”. Một việc rất rõ ràng là khi một đưa trẻ điều khiển cuộc chơi, nó sẽ để bạn nó tham gia vào, cùng nhau sáng tạo, đưa ra các ý tưởng để cuộc chơi thêm thú vị.

Mind mapping là một phương thức hiệu quả để đẩy mạnh sự sáng tạo. Để hoàn tất một mind map liên quan đến các khái niệm đặc biệt, bạn sẽ phải suy nghĩ một cách sáng tạo

5.1 Sắp xếp lại những suy nghĩ của bạn

Thông thường chúng ta sẽ có rất nhiều ý tưởng nảy sinh trong đầu. Nhưng chúng ta lại không sử dụng hết chúng. Bới vì chúng dường như là những suy nghĩ ngẫu nhiên. Thỉnh thoảng một suy nghĩ thoáng qua có thể đưa ra một phát minh vĩ đại tiếp theo nếu bạn có thể khai thác nó đúng cách. Các khái niệm đơn giản được đưa ra và thực hiện thông qua Mind Mapping

5.2 Mở rộng các ý tưởng của bạn

Các ý tưởng của bạn có thể không tuyệt vời, khó thực hiện. Nhưng nó ko phải là những ý tưởng không hữu dụng. Bạn có thể phát triển ý tưởng ấy qua việc cân nhắc các yếu tố khác, chia nhỏ thành nhiều phần. Mind Mapping rất hữu ích trong việc giúp bạn phát triển các ý tưởng, khả thi để thực hiện.

5.3 Sử dụng toàn bộ não bộ

Như đã nói ở trên, Mind Mapping giúp chúng ta sử dụng cả bán cầu não phải và trái. Một sự cân bằng não bộ. Nó thật sự rất có ích khi có thể tiếp cận và tận dụng lợi thế của phần bán cầu não mà bạn không thường xuyên tiếp cận

6. Brainstorming

Brainstorming  là một công cụ rất giá trị trong việc sáng tạo và triển khai các ý tưởng. Có những loại brainstorming khác nhau được thực hiện bởi Mind Mapping như sau:

6.1 Brainstorming theo nhóm

Hầu như Brainstorming được thực hiện bởi một nhóm người, mỗi thành viên chia sẻ ý tưởng và thảo luận với nhau. Các ý tưởng này đến một cách nhanh chóng, được diễn giải dưới các từ khóa và liên kết lại với nhau. Mind Mapping sẽ trình bày một cách trực quan ý tưởng cả nhóm đang thảo luận và xác định ý tưởng nào khả thi nhất.

6.2 Brainstorming cá nhân

Khi bạn phải tự làm brainstorming, bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi đưa ra tất cả các ý tưởng theo cùng một cách. Tuy nhiên, Mind Mapping sẽ giúp trong việc xử lý và truyền cảm hứng để sáng tạo ra nhiều ý tưởng khác, sau đó bạn có thể chia sẻ kết quả brainstorming với các cá nhân khác

6.3 Question Brainstorming

Việc đưa ra các câu hỏi là phương pháp tuyệt vời để xem xét tất cả các vấn đề tiềm tàng hoặc những thách thức cần phải được giải quyết và chỉ định trước. Mind Mapping giúp bạn sắp xếp các câu hỏi và tìm các giải pháp khả thi.

6.4 Sự liên kết

Khi chúng ta liên kết các thông tin mới với những thông tin mà chúng ta đã biết. Nó sẽ dễ dàng được đưa vào trong bộ nhớ. Mind Mapping yêu cầu bạn phải sử dụng từ khóa có ý nghĩa, liên kết chúng lại với nhau, và đấy là cách để bạn ghi nhớ chúng

6.5 Đơn giản hóa các thông tin phức tạp

Mind Mapping được tạo ra để khi ghi nhận 1 khái niệm. Nó sẽ được chia nhỏ ra thành nhiều phần, nhằm đơn giản hóa hoặc triển khai mở rộng bất kỳ ý tưởng nào.

7. Mind Mapping được tạo như thế nào

Bộ não của bạn sẽ không suy nghĩ một cách đơn điệu. Nó suy nghĩ cùng một lúc theo nhiều hướng khác nhau. Nó bắt đầu từ điểm kích hoạt trung tâm qua những hình ảnh quan trọng và từ khóa. Cái được gọi là TƯ DUY BỨC XẠ (Radiant Thinking). Sau đây là các bước để kích hoạt Tư Duy Bức Xạ của bạn

7.1 Bắt đầu từ khái niệm trung tâm

Bạn cần phải tập trung vào câu hỏi chính, bạn phải biết rõ bạn đang muốn hướng đến mục tiêu gì và giải quyết chúng ra sao. Một hình ảnh trung tâm phải luôn luôn được sử dụng. Từ đó các ý tưởng sẽ được trải rộng theo nhiều hướng một cách chủ động.

7.2 Viết ra các ý tưởng khác nhau liên quan đến khái niệm trung tâm

Dùng từ khóa hay hình ảnh để diễn tả cả ý tưởng của bạn. Hãy nhớ rằng ngôn ngữ chính của bộ não không phải là lời nói hay những từ được viết ra. Bộ não hoạt động thông qua các giác quan bởi việc tạo ra các liên kết giữa hình ảnh, màu sắc, từ khóa và ý tưởng. Việc đưa nhiều hình ảnh, từ khóa, màu sắc vào Mind Map sẽ đánh thức não bộ.

Sử dụng các đường cong ( không phải đường thẳng) để nối các nhánh chính với hình ảnh trung tâm, và nối các nhánh cấp 2, cấp 3 với nhánh cấp 1 và 2… vì bộ não làm việc bằng việc liên tưởng. Nối các nhánh lại với nhau giúp bạn hiểu và nhớ các thứ dễ dàng hơn.

7.3 Sử dụng một từ khóa trong mỗi dòng

Bạn nên nhớ sử dụng từ khóa thay vì một câu văn dài. Mỗi từ khóa hay hình ảnh riêng lẻ đều không có bất kỳ ràng buộc nào. Do vậy nó có khả năng để khơi dậy các ý tưởng mới. Độ dài của mỗi nhánh nên bằng độ dài của từ khóa hay hình ảnh.

7.4 Tạo các khối hình và ranh giới xung quanh các nhánh của Mind Map

Bạn dùng khối hình để nhóm các hình ảnh hay từ khóa có mối liên quan lại với nhau. Nó cũng thúc đẩy sự tưởng tượng của bạn

7.5 Sử dụng thứ bậc hay số thứ tự

Điều này giúp bạn cấu trúc Mind Map tốt hơn và giúp bạn sử dụng nó dễ dàng hơn

8. Các kỹ năng ghi nhớ hàng ngày

8.1 Ghi nhớ chữ cái đầu

Viết thông tin cần nhớ thành một cụm hoặc một câu. Mỗi chữ cái đầu tiên đại diện cho thông tin cần nhớ. Mỗi khi nhớ đến chữ cái đó thì bạn cũng nhớ luôn cả đoạn thông tin.

8.2 Sáng tạo tên gọi

Khi cần phải nhớ một cụm nhiều từ/ ý, hãy lấy chữ cái đầu tiên của mỗi ý rồi ghép chúng lại sao cho tạo thành một từ mới. Ví dụ, người ta gọi phương pháp xác định mục tiêu hiệu quả là S.M.A.R.T vì các chữ cái này đại diện cho 5 ý quan trọng: ‘Specific’, ‘Measurable’, ‘Achievable’, ‘Relevant’ và ‘Timely’.

8.3 Làm thơ ca hát

Các bài vè và bài hát sẽ khiến bạn dễ nhớ hơn với nhịp điệu thú vị. Các câu chuyện cười cũng là một cách để dễ nhớ thông tin.

8.4 Chia nhỏ thông tin

Số điện thoại của bạn sẽ trở nên dễ nhớ hơn khi bạn chia chúng thành các cụm số. Ví dụ để nhớ số điện thoại 098987678 bạn có thể tách thành các cụm 098 987 678

9. Phong cách sống thay đổi sẽ giúp cải thiện trí nhớ của bạn

Việc bạn quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe như ngủ đủ giấc hơn, tập thể dục thường xuyên … sẽ giúp cải thiện sức khỏe não bộ, gồm cả bộ nhớ của bạn. Các bước dưới đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa việc mất trí nhớ và cải thiện đáng kể bộ nhớ của bạn

9.1 Chế độ ăn tốt cho não bộ

Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp gia tăng thêm lượng chất xám trong não bộ. Nó giúp chống lại sự thoái hóa thần kinh. Có những loại thực phẩm thật sự tốt cho não bộ như blueberry, bơ, quả óc chó, chocolate đen, chất béo tốt… hạn chế thịt đỏ, đồ ngọt, thức ăn nhanh.

Nên ăn đúng giờ và không nên ăn vào buổi tối muộn. Một nghiên cứu của UCLA cho thấy ăn vào lúc tối muộn có thể tác động tiêu cực đến chức năng ghi nhớ của bạn, đặc biệt là khả năng ghi nhớ nhanh, tập trung và học hỏi.

9.2 Nói không với các suy nghĩ tiêu cực và quản lý stress hiệu quả

Khi các điều tiêu cực cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Bộ não bạn sẽ không thể phân biệt đâu là những hình ảnh được đưa vào và đâu là thật tế. Điều đấy dẫn đến việc bạn chính là những gì bạn nghĩ.

Những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng sẽ dẫn đến việc lạm dụng một phần não bộ. Nó gây ảnh hưởng đến việc lưu thông máu trong não kém, dễ gây mệt mỏi và cáu giận. Hơn thế nữa, các hormone mà não sản xuất để đối phó với những lo âu không chỉ ảnh hưởng về mặt chức năng mà còn thay đổi cấu trúc vật lý của não bộ. Một loại hormone được gọi là Cortisol có thể làm teo não, khiến não bộ không thể sản sinh thêm các nơ-ron thần kinh mới. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc ghi nhớ, điều khiển cảm xúc và khả năng học tập của chúng ta.

Thiền định là một phương pháp trị liệu để giúp thay đổi nhận thức, cải thiện tâm trạng tốt hơn.

9.4 Tập thể dục

Thường xuyên tập thể dục và đặc biệt là chạy bộ sẽ giúp tăng khả năng ghi nhớ. Khi chạy bộ hay tập thể dục sẽ sản sinh ra một loại protein gọi là Cathespin B. Nó đi đến não để kích hoạt sự phát triển của các tế bào thần kinh và các kết nối mới ở hồi hải mã. Một khu vực trong não được cho là rất quan trọng đối với trí nhớ

9.5 Ngủ đủ giấc

Một giấc ngủ ngon sẽ góp phần duy trì trí nhớ tốt. Hãy cố gắng ngủ ít nhất 6 tiếng một ngày. Dậy sớm vào mỗi buổi sáng sẽ giúp bạn có một trí nhớ tốt.

9.6 Hãy bảo vệ não bộ

Điện thoại di động phát ra các bức xa điện từ. Nó gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và não bộ. Khi để điện thoại dưới gối chúng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Vì thế trước khi đi ngủ chúng ta nên hạn chế sử dụng điện thoại. Chúng nên được đặt cách xa khỏi chiếc giường của bạn

9.7 Không ngừng học hỏi

Học hỏi 1 ngôn ngữ mới giúp não bộ luôn khỏe mạnh. Chúng giúp cải thiện các kỹ năng nhận thức của não bộ. Ngăn chặn việc giảm trí nhớ trong tương lại.

Bạn có thể sử dụng app Anki flashcard để ghi nhớ từ vựng.

9.8 Ghi chép bằng giấy và bút

Thay vì sử dụng laptop hay điện thoại để ghi chép, chúng ta nên sử dụng giấy và bút. Điều này giúp bạn ghi nhớ các thông tin tốt hơn. Vì bạn buộc phải chú ý hơn các thông tin mình đang ghi lại.

10. Nghe nhạc giúp tập trung tốt hơn

Những loại nhạc phù hợp để nghe khi làm việc hay học tập sẽ giúp kích thích trí não, tăng hiệu quả công việc

  • Giai điệu thiên nhiên: giúp cải thiện tâm trạng và kỹ năng nhận biết tốt
  • Nhạc cổ điển: nghe nhạc Baroque giúp tăng cảm hứng và khả năng tập trung khi làm việc
  • Những bản nhạc yêu thích của bạn: giúp cải thiện cảm xúc, đem đến ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả công việc
  • Những bản nhạc không lời

Tác Giả : Bình An

Scroll to Top