Trước khi trở nên giàu có, những doanh nhân mà tiêu biểu là Richard Branson đều phải trải qua những thất bại. Thế nhưng, ông không hề bỏ cuộc và câu chuyện thành công từ những “Thất Bại Vĩ Đại” của ông đã trở thành nguồn động lực và kinh nghiệm quí báu giúp tiến tới thành công.
Lời tiên đoán đầy bất ngờ từ thầy hiệu trưởng
Richard Branson ra đời ngày 18/7/1950 tại London, Anh quốc. Tuy cha của ông hành nghề luật sư nhưng gia đình ông lại không mấy khá giả. Tuổi thơ Richard gắn liền với chứng bệnh khó đọc và thành tích học tập rất thấp. Ông bỏ dở con đường học vấn của mình khi chỉ vừa bước vào tuổi 16. Thầy hiệu trưởng đã cho rằng Richard sẽ đi tù hoặc sẽ trở thành triệu phú.
Lời tiên đoán của thầy hiệu trưởng năm nào đã trở thành sự thật khi Richard trở thành triệu phú lúc chỉ mới 23 tuổi. Quãng thời gian sau này, ông gầy dựng tập đoàn Virgin trở thành một doanh nghiệp khổng lồ với hàng trăm công ty con. Theo những thống kê mới nhất của tạp chí Forbes, Richard sở hữu khối tài sản ròng lên đến 5,1 tỷ đô la và đứng trong top 10 người giàu nhất Anh quốc. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông còn dùng số tiền của mình kiếm được vào các hoạt động từ thiện cũng như các nghiên cứu khoa học nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Chặng đường sự nghiệp đầy rẫy những thất bại
Tuy thành công là thế, nhưng con đường dẫn đến thành công của Richard Branson không hề bằng phẳng. Tờ tạp chí Student mà Richard thành lập khi 16 tuổi, đã khiến ông suýt phải vào vòng lao lý bởi phương thuốc chữa bệnh hoa liễu mà ông cho đăng trên tạp chí. Và khi Richard dự định bán lại tờ tạp chí, ông thừa nhận mình lại mắc phải sai lầm “Một trong những thất bại quý giá nhất của tôi đến rất sớm, khi tôi không thể thuyết phục một nhà xuất bản lớn mua lại Student magazine”. Trong khi họ muốn tôi tập trung trình bày vào phương thức phân phối và các chi tiết, thì tôi lại chia sẻ tầm nhìn của mình cho một loạt các doanh nghiệp liên quan đến sinh viên, từ các tạp chí cho đến các công ty du lịch và ngân hàng. Và các nhà đầu tư đã một đi không trở lại.
Năm Richard 19 tuổi, ông mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi cho phép công ty thu âm do ông thành lập kinh doanh các loại băng đĩa lậu chưa được chính quyền cấp giấy phép nhằm trốn thuế. Hành động này đã khiến ông ngồi tù, mẹ Richard đã phải chi trả khoản tiền lên đến 60.000 đô la chỉ để ông được tại ngoại.
Hồi tưởng lại quãng thời gian vào tù, biến cố này đã thay đổi ông một cách sâu sắc “Tôi đã thề với bản thân rằng sẽ không bao giờ làm điều gì khiến mình phải ngồi tù một lần nữa hoặc làm bất kỳ thương vụ kinh doanh nào khiến tôi bẽ mặt”.
Thế nhưng, không dừng lại ở đó Richard Branson phải đón nhận vô số những thất bại khác trong sự nghiệp kình doanh của mình. Một trong những thất bại đáng kể nhất của ông đó là hãng hàng không Virgin Express kinh doanh ảm đảm và phải đóng cửa vào năm 2006, hãng xe hơi Virgin thua lỗ nặng vào năm 2005 dẫn đến phá sản. Hai sản phẩm khác của ông là Virgin Pulse và Virgin Digital thua cuộc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Apple.
Ông còn thất bại ê chề khi đối đầu trực tiếp với hãng thức uống danh tiếng Coca cola. Ông cho rằng “Chúng tôi đã không suy nghĩ thấu đáo. Tuyên chiến với Coca cola trong lĩnh vực nước giải khát là quá điên rồ. Tôi coi đây là một trong những sai lầm lớn nhất của mình. Nhưng nếu được làm lại tôi cũng sẽ không thay đổi gì cả”.
Phương châm sống nổi tiếng “mặc kệ nó, làm tới đi”
Richard chia sẻ “Châm ngôn của tôi là làm tới đi. Nếu bạn muốn lái máy bay thì hãy tới sân bay xin một chân pha trà, bạn muốn làm thiết kế thời trang thì xin vào làm nhân viên quét dọn ở công ty thời trang, hãy mở to mắt mà học việc”. Với phương châm sống này, ông đã từng bước gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.
Bỏ học khi 16 tuổi, ông sáng lập tạp chí Student trong một căn hầm tồi tàn ở London. Với mong muốn phát triển nguồn đọc giả, Richard đã phải tìm đủ mọi biện pháp để phỏng vấn cho bằng được những nhân vật nổi tiếng như John Lennon, Jean-Paul Sartre, Mick Jagger,…
Tờ tạp chí này đã phát triển mạnh mẽ với số lượng bản in lên đến 50.000 nhưng lợi nhuận lại không đạt mức như ông mong muốn. Nhằm tăng thêm doanh thu, ông bán thêm các sản phẩm băng đĩa nhạc trên tờ tạp chí và đạt được thành công rực rỡ. Doanh thu tăng cao giúp ông tự tin thành lập hãng thu âm Virgin Record.
Sau biến cố sao chép băng đĩa lậu, Richard nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro tài chính và ông dành nhiều thời gian bổ sung kiến thức về lĩnh vực này. Richard cho mở rộng chuỗi cửa hàng Virgin Record, lấn sân sang cả lĩnh vực thu âm và phát hành băng đĩa cho các nhóm nhạc nổi tiếng như Rolling stones, Sex Pistols. Chính điều này đã mang đến cho ông nguồn thu nhập tốt và được công chúng biết đến.
Không dừng lại ở đó, ông còn mạnh dạn đầu tư vào rất nhiều công ty ở các lĩnh vực khác nhau. Những năm 1983, Richard Brandson thành công xây dựng một đế chế với qui mô hơn 50 công ty, tổng doanh thu của đế chế này lên đến 17 triệu USD hằng năm.
Không sa lầy trong sự giàu có, ông tiếp tục thử sức trong lĩnh vực hàng không. Chính quyết định này đã mang lại cho ông thành công ngoài sức tưởng tượng và đưa tên tuổi của Richard Brandson cùng thương hiệu Virgin lên tầm cao mới.
Ý tưởng thay đổi ngành hàng không Châu Âu
Những thập niên 80, hãng hàng không British Airways độc chiếm thị phần hàng không các đường bay giữa Anh và Mỹ. Nhưng chất lượng dịch vụ vụ của hãng hàng không này không tương xứng với mức phí mà người tiêu dùng đã bỏ ra. Richard đã nhìn ra những bất cập này và ông nảy sinh ý tưởng thành lập một hãng hàng không với dịch vụ chu đáo hơn.
Năm 1984, hãng hàng không Virgin Atlantis ra mắt công chúng và với sự lèo lái tài tình của Richard, Virgin Atlantis đã giành được thắng lợi rực rỡ một năm sau đó. Ông cũng tiến hành mở rộng đường bay sang các quốc gia khác như Nhật Bản, các nước châu Âu, Mỹ.
Richard đã gầy dựng một chiến dịch marketing đầy táo bạo với hãng hàng không này là thực hiện các thử thách mạo hiểm khắp nơi trên thế giới. Trong chiến dịch marketing của mình, Richard hoàn thành chuyến vượt Đại Tây Dương bằng thuyền vào năm 1986. Một năm sau đó, ông dùng khinh khí cầu vượt qua đại dương này và ông được ghi tên là người đầu tiên của thế giới thành chuyến phiêu lưu đặc biệt ấy.
7 năm sau, Richard lại ngồi khinh khí cầu và thực hiện chuyến bay vòng quanh trái đất. Chuyến đi ấy có lúc tưởng chừng đã không thể hoàn thành khi khinh khí cầu rơi xuống giữa vùng sa mạc Sahara và bản thân ông còn bị lực lượng phiến quân ở đây bắt giữ. Một lần khác, khi ông đi vào không phận Trung Quốc, tí nữa ông đã bị bắn hạ bởi không quân bởi họ hiểu nhầm là máy bay do thám. Những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của Richard được mọi người biết đến qua các chương trình truyền hình, báo chí, đài phát thanh. Chính điều này khiến thương hiệu Virgin trở nên nổi tiếng.
Những năm kinh tế suy thoái, hãng hàng không British Airways lâm vào tình cảnh khó khăn khi không đủ nguồn tài chính để duy trì. Vào lúc này, Richard đã phải chọn lựa chuyển nhượng công ty đầu tiên mà ông đã thành lập Virgin Record nhằm giải tỏa áp lực. Ngẫm lại quyết định này, ông cho biết “đó là một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”.
Richard Branson không chỉ là một biểu tượng cho sự thành công mà ông còn là nguồn cảm hứng và động lực cho giới khởi nghiệp. Ngẫm lại những chặng đường đã qua, ông dành sự chia sẻ chân thành với giới trẻ “Nếu bạn thật sự muốn làm gì đó thì cứ làm đi. Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu không vượt qua được nỗi sợ hãi và bắt tay vào làm”.
Ròm – 2PM, 12/04/2019